9 mánh lừa đảo khách du lịch cần lưu ý
Lừa đảo ném phân chim, đổ thức ăn, đổi thiếu tiền… là kịch bản mà những kẻ trộm cắp thường dàn dựng để thuận tiện lừa đảo tiền của khách du lịch.
Khách du lịch thường bị những kẻ bất hảo ở địa phương họ ghé thăm nhắm tới, lợi dụng họ không quen thuộc địa danh cũng như tập tục.
Nhiều người từng là nạn nhân của nạn móc túi, trộm cắp khi đi du lịch nước ngoài đã chia sẻ trên một diễn đàn online về những chiêu trò mà thủ phạm thường dùng. Hãy là du khách thông thái để không phải đối diện với xui xẻo ở nơi xa lạ.
1. Ném phân chim hoặc đổ thức ăn lên người
Chiêu trò này có nhiều phiên bản. Một nạn nhân tiết lộ đối phương ném phân chim bồ câu giả vào anh. Trong khi một kẻ giả vờ đưa khăn lau, kẻ khác đã móc ví tiền trong khi anh đang bối rối.
John Thekkayyam, một người thường xuyên đi du lịch, kể lại kinh nghiệm vướng phải kịch bản mất ví lần đầu tiên ở Sao Paulo, Brazil: “Tôi dừng chân ở một xe bán đồ ăn trên phố. Khi tôi đang ăn sandwich, một nam và một nữ xuất hiện, gọi đồ và cũng bắt đầu ăn”
“Người phụ nữ cố ý đánh đổ đĩa ăn lên ngực áo tôi. Cô ta lôi khăn tay ra và lanh lẹ chùi chỗ tương cà. Cô ta đứng sát sạt. Tôi liên tục phản kháng, nói tôi vẫn ổn. Nhưng cô ta tiếp tục lau áo của tôi. Phải thú thật là tình hình đó có chút đỏ mặt, cô ta đứng rất gần, và trong khi tôi bị phân tâm, ví tiền đã bị móc mất”.
2. Làm rơi chìa khóa
Kẻ lừa đảo giả vờ đánh rơi chìa khóa, khiến du khách cảm thấy như họ cần giúp đỡ. Khi họ cúi xuống nhặt chìa khóa, hoặc đồ đánh rơi lên, họ sẽ quên bảo vệ đồ đạc của mình.
Một khách du lịch chia sẻ câu chuyện từng chứng kiến: “Nạn nhân đang ngồi trên ghế đá, có balo để bên. Kẻ cắp nghe nhạc, đi qua và để chùm chìa khóa rơi ra khỏi túi. Nạn nhân nhặt chìa lên, đuổi theo trả lại hắn và quên mất balo của mình”.
Zachary Reiss-Davis, khách du lịch bụi người Mỹ, lý giải tại sao trò này thường thành công. Màn kịch đánh vào sự tử tế, muốn giúp người. “Nó sẽ là tình huống khiến nạn nhân cảm thấy mình giống như người hùng. Ai đó ngã xe, rơi chìa khóa, hỏi chỉ đường trên bản đồ, nhờ bạn chụp ảnh, đều có thể là trò đánh lạc hướng”, anh phân tích.
3. “Nhặt được đồ” và mời bạn mua ví hoặc nhẫn
Một kịch bản lừa đảo phổ biến khác là kẻ lừa đảo nhắm vào lòng tham, dụ dỗ du khách bằng một món quá hời, như một tấm vé miễn phí, hoặc vờ nhặt được món đồ giá trị và cho bạn.
Anya May, nhân viên điều phối tour du lịch, cảnh báo: “Chúng có thể nói mình nhặt được chiếc nhẫn vàng, hoặc ví tiền, và muốn cho bạn. Khi bạn mất cảnh giác, ví tiền của bạn sẽ không cánh mà bay”.
4. Ngáng chân
Bạn dễ lơ đễnh không chú ý đến đồ đạc cá nhân nếu ai đó va chạm khiến bạn giật mình.
Anh Thekkayyam tiếp tục chia sẻ câu chuyện gặp phải trên chuyến xe buýt đông người ở Rio de Janeiro, Brazil: “Tôi nghe thấy tiếng đồng xu rơi dưới chân. Một người đàn ông đứng bên cạnh cúi xuống sàn, nắm chặt lấy mắt cá chân của tôi. Tôi cố hất tay hắn ra, nhưng hắn cứ giữ lấy như thể mạng sống đang lâm nguy. Tôi cáu quá, quát nạt bắt hắn bỏ ra. Đột nhiên hắn buông tay, đứng thẳng dậy ở một góc độ mà tôi không thể nhìn thấy mặt hắn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, mắt cá chân phát đau vì bị bóp chặt, và tôi dồn tất cả lực chú ý vào nó”.
Khi Thekkayyam xuống xe, ví tiền của anh đã biến mất. Tất nhiên, gã đàn ông trên xe kia còn có đồng phạm hợp tác để lợi dụng lừa đảo.
5. Xô đẩy ở khách sạn
Trong cảnh rối ren lúc nhận phòng ở khách sạn, nếu không đủ tỉnh táo, du khách có thể thành nạn nhân của kẻ cắp ngay giây phút đặt chân vào cửa.
“Đúng giờ nhận phòng – thường trùng hợp với giờ trả phòng, một chiếc xe buýt ghé vào (khách sạn) với 80 khách. Đột nhiên, vài người xô xô đẩy đẩy vali tới khu vực lễ tân,” Chris Huffman, một du khách có thâm niên nhớ lại. Một số người không phải là nhân viên khách sạn, nên xách hành lý của bạn đi luôn trong cảnh rối ren.
6. Lộn xộn ở máy đánh bạc
Chẳng có gì dễ lơ đễnh hơn là mải mê với máy đánh bạc, và dân trộm cắp rất rành cách lợi dụng.
Cảnh sát Tim Dees (Anh) tiết lộ cách một số kẻ ăn cắp thành công ở sòng bạc. “Phụ nữ có thói quen đặt ví ở giữa hai máy đánh bạc lúc đang chơi. Máy đánh bạc thường xếp một hàng gồm 10-20 máy, hai hàng quay lưng vào nhau. Một tên trong băng đảng hỏi han nạn nhân về chiếc máy hoặc về cách chơi, hoặc đổ một số đồng xu hay món đồ khác xuống sàn nhà. Chúng đều là cách làm nạn nhân lơ đễnh, trong khi tên trộm thứ 2 nẫng mất ví từ dãy máy đánh bạc đối diện”, anh mô tả.
7. Tình bạn giả dối
Kiểu du khách tính cách hòa đồng dễ bị mắc lừa trò này hơn. Kể về sự cố xảy ra ở Thượng Hải (Trung Quốc), du khách người Mỹ Paul Orlando miêu tả: “Một nhóm các cô gái trông cũng bình thường nhờ một du khách chụp hộ, vì họ đều đến từ vùng khác của Trung Quốc. Sau đó, họ gợi chuyện, nhờ những du khách (thực sự) dẫn đường đến một phòng trà cổ. Các cô ấy liên tục mở bản đồ, tỏ vẻ như họ không biết”.
Hai nhóm nhập vào làm một nhóm mới, cùng đến phòng trà và du khách bị mua trà với giá cắt cổ. Mấy cô gái sẽ nhận hoa hồng (từ người bán trà).
8. Kẻ đổi tiền với những ngón tay bẩn
Theo tiết lộ từ Scott Marlette, một du khách ở Bali (Indonesia), những kẻ đổi tiền nhanh tay có thể rút vài tờ từ chỗ tiền bạn đã nhìn thấy họ đếm.
“Chúng tôi có 2 người và đã quan sát người đếm tiền rất kỹ để đảm bảo đổi đủ. Sau đó, hắn thu cọc tiền lại, đưa cho tôi, ngay trước mắt tôi. Khi về nhà và đếm lại, tôi không thể tin nổi là thiếu vài tờ. Tôi đã trúng trò bịp trắng trợn,” anh kể.
Một người bồi bàn địa phương đã giải thích cho Scott, rằng người đếm thường để rơi mấy đồng ra sau khi vỗ nhẹ cọc tiền.
9. Ép mua đồ lưu niệm
Dù hình thức này không trắng trợn như ăn cắp ví tiền, nhiều khách du lịch cảm thấy mình là nạn nhân của trò lừa đảo khi phải trả tiền cho dịch vụ hoặc vật phẩm họ không hề muốn.
Một trong những mánh bịp phổ biến ở Paris (Pháp) là trò “hoa hồng lừa đảo” khi bạn gái đi cùng nhận được một bông hồng “miễn phí” mà thực ra bạn phải trả tiền. Du khách cũng cần lưu ý chiêu trò “lừa đảo thân thiện”, trong đó một gã đàn ông tự nhiên buộc sợi dây quanh tay bạn, và đòi bạn trả 20 euro.